07 NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC CON ĐỂ TRẺ CHĂM NGOAN HƠN

 


Nuôi dạy con nên người, thành tài vừa là trách nhiệm vừa là sự mong mỏi lớn lao nhất của các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng để con thực sự thành người thì cách dạy con ngay từ nhỏ của cha mẹ chi phối đến 90%.

Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, cha mẹ viết lên đó những gì, tờ giấy sẽ hiện ra như thế. Vì vậy, khi cha mẹ dạy con đúng cách, con sẽ nhận thức được cuộc sống của mình theo một định hướng đúng đắn. Con sẽ dễ dàng tiếp thu những lời hay ý đẹp, những kinh nghiệm sống mà cha mẹ muốn truyền đạt tới mình. Từ đó con sẽ học hỏi và làm theo để dần trở thành một người hoàn thiện về nhân cách.

Theo các chuyên gia tâm lý cho biết cách dạy con ngoan ngoãn thật ra không khó. Cái khó là cha mẹ có đồng ý trở thành người bạn và là người đồng hành cùng con hay không. 


Vây 07 nguyên tắc dạy con vâng lời mà các bậc phụ huynh nên bỏ túi ngay là:
1. Hãy đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu
Việc quan trọng đầu tiên mà cha mẹ cần làm là luôn phải đặt mình vào vị trí của con trong mọi tình huống để biết con đang mong muốn điều gì? Tại sao con lại cư xử như vậy?
Đây chính là phương thức cần thiết nhất để cha mẹ có thể trở thành người bạn đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ với con và tìm ra cách thức khuyên răn con đúng đắn.

2. Hãy cho con sự tự do
Bởi chính con sẽ là người đưa ra quyết định sau cùng về tương lai và cuộc sống của mình, vì vậy cha mẹ nên đưa cho con định hướng, ý kiến và sự chia sẻ cần thiết với tư cách là người đồng hành đáng tin cậy.
Khi cha mẹ thấy con đang đi sai đường thì cũng là lúc nên khéo léo nhắc nhở, thủ thỉ với con như một người bạn đồng hành thực sự thay vì chỉ trích hay nuông chiều theo con. Điều này sẽ mang lại cho con sự tự do đúng nghĩa, đúng cách nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của cha mẹ.


3. Tôn trọng ý kiến của con
Lắng nghe con nói, tiếp thu ý kiến và thể hiện thái độ tôn trọng nhất định với những gì mà con chia sẻ sẽ khiến con cảm thấy mình được tôn trọng, được yêu thương và có ý nghĩa.
Ngoài ra, việc hỏi thăm ý kiến của con còn giúp trẻ nhỏ phát huy khả năng sáng tạo và tư duy bằng cách vận động trí não không ngừng, điều này sẽ rất tốt cho sự phát triển lâu dài về sau của trẻ.

4. Rèn cho con tính tự lập
Cha mẹ hãy tập cho con tính tự lập ngay từ đầu. Thay vì tự tay tắm rửa và vệ sinh cho bé, cha mẹ hãy hướng dẫn con tự làm mọi thứ từ khi lên 3 lên 5. Khi con lớn hơn ở độ tuổi lên 9 lên 10, cha mẹ hay đồng hành cùng con và hướng dẫn con tự lập trong một số công việc nhà hàng ngày như nấu ăn những món đơn giản và phù hợp với trẻ nhỏ, phụ giúp cha mẹ dọn dẹp. Cha mẹ hãy nói với con rằng đó là việc vô cùng dễ dàng, con hoàn toàn có thể tự mình làm được. Hãy để con hiểu rằng việc chăm sóc bản thân và chăm sóc gia đình là một phần trách nhiệm của con.


5. Khuyến khích con đúng lúc
Cha mẹ hãy khuyến khích và tán dương đúng lúc đối với những việc con đã làm tốt cho dù là nhỏ nhất và công nhận quá trình cố gắng mà con đã trải qua. Điều này sẽ tạo động lực cho bé phấn đấu để phát triển bản thân theo cách mà cha mẹ mong muốn.
Cha mẹ nên biết rằng mỗi trẻ sẽ có năng lực và sở trường, sở đoản khác nhau, đặt con trong đúng môi trường để phát triển và ở đúng thời điểm thích hợp, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể tỏa sáng theo cách riêng của mình!


6. Xử lý đúng cách khi con phạm sai lầm
Trẻ con thường dễ có những hành động sai lầm. Những lúc như thế, cha mẹ không nên dùng đòn roi ngay, cũng không nên quá nuông chiều con mà phó mặc hay phớt lờ. Việc cha mẹ cần làm lúc này là hãy ngồi lại đối mặt với con và hỏi con lí do vì sao con làm thế với một thái độ hết sức ôn hòa. Sau khi hiểu được nguyên nhân sâu xa, cha mẹ hãy phân tích cho con biết mình sai ở đâu.
Đây cũng là cách giúp con giảm tính bướng bỉnh và ương ngạnh, rèn luyện thái độ nhìn nhận mọi việc theo một cách ôn hòa.

7. Hãy làm gương cho con
Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu tốt nhất cho các con học tập theo. Chỉ khi nào cha mẹ sống tốt, cha mẹ mới có thể dạy con nghe lời mình.
Đó là lí do tại sao các chuyên gia tâm lý luôn khuyên cha mẹ hãy có lối sống và lối sinh hoạt lành mạnh khi nuôi dạy con trẻ.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét